• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tạo động lực phát triển thương mại điện tử
Sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh được giới thiệu qua nhiều kênh.

Tạo động lực phát triển thương mại điện tử

(Cập nhật: 26/10/2020)
BDK - Để tạo động lực phát triển thương mại điện tử (TMĐT), tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TMĐT rộng khắp đến các đối tượng có liên quan trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp (DN) đã chuyển đổi từ kinh doanh thương mại theo phương thức truyền thống thuần túy sang kết hợp với kinh doanh TMĐT, góp phần giảm chi phí, tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.


Xu thế thương mại điện tử

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, sở đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, các đơn vị có liên quan tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức về TMĐT, nhằm triển khai các văn bản pháp luật về TMĐT, các nội dung liên quan về TMĐT cho cán bộ quản lý sở, ngành tỉnh, huyện, các DN. Ngoài ra còn tổ chức cho các DN tham dự “Diễn đàn toàn cảnh TMĐT Việt Nam năm 2019”; tổ chức hội thảo “TMĐT - giải pháp tạo bứt phá cho các DN”, “Đưa TMĐT về nông thôn - Làng dừa Bến Tre online”…

Đồng thời, sở còn quan tâm đến việc phát triển hạ tầng TMĐT. Mạng lưới viễn thông, internet đạt tốc độ phát triển nhanh, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo cung cấp các dịch vụ về viễn thông và internet chất lượng tốt với nhiều loại hình phong phú, đa dạng phục vụ khách hàng và các DN. Việc đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước, hành chính công và tại các DN ngày càng được quan tâm cùng với việc phát triển mạnh các thiết bị di động thông minh là nền tảng để phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh.

Đến cuối năm 2019, hệ thống một cửa điện tử VNPT-iGate đã hoàn tất kết nối truyền dẫn cáp quang đến 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Dịch vụ ngân hàng phát triển ngày càng đa dạng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, việc thanh toán qua ngân hàng được đẩy mạnh. Hệ thống ATM, POS phân bổ khắp các huyện, thành phố. Các POS được lắp đặt tại nhiều cơ sở kinh doanh, cung cấp các dịch vụ thanh toán thông qua nhiều hình thức như: trích nợ tự động, SMS & Mobile Banking, Internet Banking, quét mã QR, ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, thanh toán qua POS (khách hàng mở thẻ ATM), Bankplus, qua các app…

Giai đoạn 2016 - 2020, đã hỗ trợ 50 DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng website TMĐT; hỗ trợ trên 50 DN, cửa hàng bán lẻ ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng thông minh; hỗ trợ các DN tham gia các sàn giao dịch điện tử: Lazada, Alibaba, Amazon...

Đặc biệt, thời gian qua, sở đã tích cực hỗ trợ các DN quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, đặc sản Bến Tre (giới thiệu, quảng bá thông tin DN, sản phẩm trên các công cụ trực tuyến như: Youtube, Google, tạp chí điện tử...); xây dựng sàn giao dịch TMĐT “Đặc sản Bến Tre”; xây dựng bộ công cụ quảng bá thương hiệu trực tuyến sản phẩm chủ lực của tỉnh...

Nhiều tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai, ứng dụng việc mua bán, trao đổi, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng và thu được những kết quả nhất định từ việc thiết lập các website riêng, tham gia các sàn giao dịch TMĐT đến việc tạo lập các tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber... Qua đó, từng bước tạo dựng môi trường, hệ sinh thái phát triển TMĐT cho các DN.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm, hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực để đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích của TMĐT đến cộng đồng DN và người dân, nhất là các DN, hợp tác xã và hộ nông dân trực tiếp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản, chú trọng các sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm nông nghiệp nông thôn (OCOP).

Đồng thời, sở xây dựng và vận hành một cách có hiệu quả sàn giao dịch TMĐT “Đặc sản Bến Tre” để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm sản xuất, phân phối nông sản trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ các DN, hợp tác xã xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình, sản phẩm của từng đơn vị; trong đó quan tâm đến việc giới thiệu các yếu tố đặc thù của mặt hàng nông sản như quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề truy xuất nguồn gốc… trên môi trường mạng.

“Sở sẽ tích cực hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tham gia sàn giao dịch TMĐT uy tín trong và ngoài nước nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Kết nối các DN thuộc các thành phần kinh tế với các nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp giải pháp TMĐT (như dịch vụ thiết kết website, các sàn giao dịch, cung cấp tên miền, vận chuyển, thanh toán…); các giải pháp về xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, DN trên môi trường mạng… Từng bước xây dựng hệ sinh thái TMĐT toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi phát triển TMĐT của tỉnh nhà”, ông Nguyễn Văn Niệm nhấn mạnh.

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chỉ số TMĐT của tỉnh năm 2017 là 27/54 tỉnh, thành, năm 2020 là 15/55 tỉnh, thành. Kết quả đó cho thấy, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh thời gian qua có sự chuyển biến khá rõ rệt, tạo ra các điều kiện thuận lợi, từng bước hình thành những nền tảng cơ bản để phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới. Nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2020, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng khá tốt mua bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng.

(Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm)

 
Nguồn: baodongkhoi.vn