• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tình hình triển khai các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019
Sở Công thương làm việc về nội dung CCN tại huyện Ba Tri

Tình hình triển khai các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019

(Cập nhật: 17/12/2019)
Thực hiện Kế hoạch số 434/KH-SCT ngày 25 tháng 3 năm 2019 của Sở Công Thương về việc khảo sát tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào nội dung Kế hoạch, Sở Công Thương đăng ký  làm việc với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và tiến hành khảo sát tình hình thực tế tại các CCN trên địa bàn. Kết quả như sau: 

Theo Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020 có 12 CCN với tổng diện tích 408,3 haNgày 29/6/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3349/KH-UBND Phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 nhằm đề xuất phương án khả thi về đầu tư, sử dụng đất có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh sớm đi vào hoạt động, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần thu ngân sách.
 
Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 CCN đã được thành lập, với tổng diện tích 347,28 ha, có 09 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 337,28 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 243,45 ha, đã cho thuê 82,77 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 34,0% diện tích đất công nghiệp (các CCN có 23 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4.561,25 tỷ đồng). Tổng số người lao động làm việc trong các CCN  khoảng 2.800 lao động.
Thực trạng đầu tư phát triển của các CCN, cụ thể:

1.    Cụm CN – TTCN Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm
Quy mô diện tích 75 ha. Hiện nay, trong CCN đã có 06 dự án đăng ký đầu tư (03 doanh nghiệp có nhà máy đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, 03 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà xưởng), diện tích cho thuê 26,449 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.722,41 tỷ đồng.
Tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng CCN: Năm 2012, CCN đã đầu tư xây dựng đường giao thông trục chính trong cụm với chiều dài 990m, rộng 4m và cầu 30/4 dài 36,7m, mặt cầu rộng 3,5m với tổng kinh phí đầu tư 8 tỷ đồng. Năm 2017, tỉnh  đã phê duyệt cho xây dựng đường D1 quy mô hơn với kinh phí gần 30 tỷ đồng, đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Phố hợp với ngành điện kéo lưới điện 3 pha 22KV đảm bảo điện phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của doanh nghiệp. Hệ  thống viễn thông, thông tin liên lạc và nước máy phục vụ sinh hoạt đã được cung cấp đến cụm công nghiệp.
Hiện đang tiếp tục đầu tư hạ tầng. Mục tiêu đến  năm 2030 thực hiện đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, kêu gọi nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất kinh doanh lắp đầy CCN.

2. CCN Thị trấn – An Đức, huyện Ba Tri
Quy mô diện tích 35,568 ha.  Hiện nay, trong CCN đã có 09 dự án đăng ký đầu tư với diện tích cho thuê 9,42 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 689,43 tỷ đồng (trong đó có 07 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, 02 dự án đầu tư đang xây dựng nhà xưởng, trụ sở làm việc).
Tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng CCN:  Huyện đã đầu tư xây dựng xong cơ sở hạ tầng (giai đoạn 1), với tổng chi phí khoảng 49,65 tỷ đồng (Trong đó: vốn ngân sách: 29 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp: 20,65 tỷ đồng), đã hoàn thành đấu nối hệ thống điện, nước, tuyến đường trực chính vào CCN với tổng kinh phí 12,4 tỷ đồng. Đang thực hiện thi công giai đoạn 2: đầu tư mở rộng mặt đường, hệ thống thoát nước mưa, bó vỉa hè trong CCN với kinh phí đầu tư 7,2 tỷ đồng

3. CCN Long Phước, huyện Châu Thành
Quy mô diện tích 50 ha. Hiện có 03 dự án đăng ký đầu tư (02 dự án đã khánh thành và đi vào hoạt động), với diện tích 7,225 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư  721,094 tỷ đồng.
Công tác triển khai đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp Long Phước: GĐ 1: Tổng mức đầu tư của dự án là: 22,263 tỷ đồng. Lũy kế giá trị thực hiện là 15,206/22,263 tỷ đồng, đạt 68,3% giá trị tổng mức đầu tư.
Kế hoạch vốn năm 2019 là 115,7 tỷ đồng, đã giải ngân 2,002 tỷ đồng, đạt 1,73% kế hoạch vốn. Ban quản lý dự án Khu công nghiệp đã đề nghị chuyển vốn kế hoạch năm 2019 sang năm 2020 là 113,697 tỷ đồng để chi trả tiền bồi thường GPMB.
Đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trường đầu tư dự án Đầu tư cở sở hạ tầng phục vụ kêu gọi đầu tư huyện Châu Thành (GĐ 2) với tổng vốn đầu tư 675.463 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh trong giai đoạn trung hạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025. Đã hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch đấu thầu các gói thầu chuẩn bị đầu tư đang thực hiệc thủ tục chỉ định thầu tư vấn lập dự án điều chỉnh; triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

4. CCN Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc
Đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết theo Quyết định 3147/QĐ-UBND ngày 21/11/2019 của UBND huyện Mỏ Cày Bắc với quy mô 33 ha. Hiện có 01 dự án (đã đi vào hoạt động), với diện tích 9,175 ha, tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng. CCN Tân Thành Bình có đủ diện tích để mở rộng đến 75 ha khi có nhu cầu
 
5. CCN Thành Thới B- huyện Mỏ Cày Nam
Quy mô diện tích 20 ha. Đã được thành lập thay thế cho CCN An Thạnh và được vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ 315 triệu đồng để lập quy hoạch chi tiết. Hiện có 03 dự án đăng ký đầu tư, với diện tích 13,5 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư  693,25 tỷ đồng.
Ủy ban  nhân dân huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND xã Thành Thới B tiến hành GPMB để giao đất cho nhà đầu tư, quá trình triển khai đa số các hộ dân trong CCN đồng tình với chủ trương nhà nước về xây dựng CCN. Tuy nhiên, các hộ dân chưa thống nhất về giá đất, yêu cầu nâng giá đất cao hơn giá đã thông báo và yêu cầu một giá từ Quốc lộ xuống sông Cổ chiên không đồng ý phân đoạn chia ra nhiều giá. Hiện CCN đang thuê 01 tư vấn độc lập để xây dựng lại phương án giá cho thuê đất thật chính xác để trình UBND tỉnh phê duyệt.

6. CCN Cảng An Nhơn- huyện Thạnh Phú
Đã được thành lập và quy hoạch chi tiết với quy mô 17 ha. Hiện có 01 dự án đầu tư, với diện tích 17 ha, tổng vốn đầu tư 490 tỷ đồng. Đa số các hộ dân trong khu vực dự án thống nhất với chủ trương lập quy hoạch chi tiết tại khu vực CCN đã được quy hoạch. Tuy nhiên, CCN đang vướng việc thống nhất giá đền bù giải phóng mặt bằng; việc thu hồi đất phải thỏa thuận về giá đền bù và được sự thống nhất mới thu hồi.

7. CCN Phú Hưng- Thành phố Bến Tre
Đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với quy mô 40 ha. Công ty TNHH đầu tư KCN Thiên Phúc xin đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN, với tổng vốn đầu tư khoảng 879,01 tỷ đồng.

8. . CCN An Hòa Tây- huyện Ba Tri
Đã phê duyệt quy hoạch chi tiết với quy mô: 50 ha. Công ty TNHH đầu tư KCN Thiên Phúc xin đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN, tổng vốn: 498,63 tỷ đồng.

9. . CCN Bình Thới- huyện Bình Đại
Đã được thành lập với quy mô diện tích: 17,4 ha. Hiện tiếp tục phối hợp các ban, ngành có liên quan mời gọi đầu tư thứ cấp, hạ tầng kỹ thuật CCN.
10 . CCN Thị trấn Thạnh Phú- huyện Thạnh Phú
CCN đã được thành lập với quy mô diện tích: 10 ha. Huyện đã hợp đồng đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết, tiến hành khảo sát thực địa và triển khai lấy ý kiến nhân dân trong vùng phạm vi 10 ha. Hiện nay đã triển khai lấy ý kiến, nhưng đa số các hộ dân không đồng ý, có một số hộ phản ứng gay gắt vì cho rằng cuộc sống đã dần ổn định, đất đai đã được cải tạo nếu thành lập CCN trong khu vực này thì cuộc sống sẽ bị xáo trộn. Đề xuất hướng dẫn thủ tục điều chỉnh vị trí quy hoạch CCN Thị trấn Thạnh Phú để gắn liền với dự án Nhà máy may mặc xuất khẩu Trax Việt Nam  (dự án đang xin chủ trương đầu tư) tại khu phố 2, Thị trấn Thạnh Phú.

11. CCN Khánh Thạnh Tân- huyện Mỏ Cày Bắc: chưa thành lập- đề xuất xóa khỏi quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, bổ sung CCN Hòa Lộc tại vị trí xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc với quy mô 50 ha. Tại vị trí CCN Khánh Thạnh Tân đề xuất phát triển làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa tại xã Khánh Thạnh Tân.

12. CCN  Sơn Quy, huyện Chợ Lách
 Quy mô 20 ha - chưa thành lập. UBND huyện Chợ Lách đề xuất giữ lại CCN trong quy hoạch để tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Tiếp tục phối hợp các ban, ngành có liên quan mời gọi đầu tư thứ cấp, hạ tầng kỹ thuật CCN.

Trong thời gian qua, các cấp các ngành tỉnh, huyện đã quan tâm, chú trọng phát triển các CCN trên địa bàn. Đây làm một chủ trương đúng đắn, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên – xã hội của tỉnh. Qua đó đã góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi diện mạo ở nhiều địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho ngư­ời lao động. Có những thuận lợi như:

Đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 15/5/2019 về việc quy định chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Quyết định số 29/2018/QĐ-UBND ngày 20/7/2018 về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các huyện, thành phố trong việc thành lập, lập quy hoạch chi tiết, đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng,… tạo điều kiện tối ưu thu hút đầu tư; 

Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm, mời gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh lắp đầy các CCN; huy động các nguồn vốn để đầu tư cho CCN: vốn doanh nghiệp, vốn ngân sách.

Tuy nhiên tình hình triển khai Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn chậm, tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc:

Địa phương chưa chủ động triển khai do không có hoặc thiếu vốn để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phê duyệt quy hoạch chi tiết CCN, đầu tư tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, … đảm bảo đầy đủ các hồ sơ, thủ tục cần thiết theo đúng quy định để đăng ký vốn đầu tư của tỉnh, trung ương.

Vốn ngân sách không có để đền bù giải phóng toàn bộ mặt bằng CCN nhằm tạo quỹ đất sạch, hiện tại áp dụng thực hiện việc giải phóng mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu (doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thì thỏa thuận tạm ứng vốn trước để đền bù giải phóng mặt bằng trong phần diện tích được thuê để tạo đất sạch và tiến hành xây dựng nhà máy để triển khai sản xuất, kinh doanh); Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do dân không đồng tình với đơn giá quy định của nhà nước dẫn đến thời gian giải phóng mặt bằng, giao đất cho doanh nghiệp rất chậm.

Do giá đền bù giải phóng mặt bằng cao, nền địa chất tại Bến Tre yếu (đất phù sa), dẫn đến suất đầu tư hạ tầng quá lớn nên giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư; đồng thời hạ tầng ngoài hàng rào các CCN (giao thông, điện, nước…) phần lớn chưa có hoặc yếu kém (do đa số CCN nằm ở vùng kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn) nên rất khó kêu gọi đầu tư.

Các dự án của doanh nghiệp đầu tư có vị trí không phù hợp với quy hoạch phát triển các CCN, quy hoạch sử dụng đất (vị trí phía ngoài đất đã được quy hoạch để phát triển CCN) gây khó khăn trong việc điều chỉnh, bổ sung CCN vào quy hoạch.

Hầu hết các CCN đã được thành lập đang hoặc chuẩn bị đi vào hoạt động đều chưa có hệ thống nước thải tập trung theo đúng quy định.

Việc tổ chức lựa chọn chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN, quản lý các dự án đăng ký đầu tư chưa thực sự chặt chẽ, chủ đầu tư năng lực hạn chế, nên tiến độ triển khai xây dựng chậm hoặc không thực hiện được dẫn đến chậm tiến độ đầu tư cho CCN.

Trong thời gian tới, tỉnh cũng như các địa phương cần ưu tiên nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng CCN, tập trung ưu tiên đầu tư vào những CCN có khả năng lấp đầy nhanh, tận dụng được thế mạnh của địa phương, những CCN nhằm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đang nằm trong khu dân cư; chú trọng đầu tư xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. 

Đồng thời để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho các CCN, huyện phải cân đối nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, phối hợp với các ban, ngành liên quan xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các hạng mục một cách khoa học để có giải pháp hỗ trợ đầu tư hợp lý nhằm tăng cường thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và tăng tỷ lệ lấp đầy tại các CCN.
                                                Nguồn: Phòng QLCN - SCT