• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong thời gian tới
Đoàn khách Singapore tìm hiều về các sản phẩm xuất khẩu tại Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu

Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong thời gian tới

(Cập nhật: 19/06/2020)
Những tháng đầu năm 2020, tình hình hạn mặn và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất bị thiếu nước sản xuất (nhất là đối với các nhà máy có yêu cầu sử dụng nước cao như sản xuất bia, thực phẩm), không có nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp dẫn đến việc chất lượng sản phẩm giảm,…

Đến nay, đã có 05 doanh nghiệp giải thể, 20 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, chủ yếu gồm các ngành nghề: may mặc, dừa (chỉ, dừa trái, sơ chế,…), đóng tàu, in ấn, nước tinh khiết, …; số lao động bị ảnh hưởng khoảng 11.738 người, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, chế biến các sản phẩm từ dừa, may mặc, giày da,…

Hiện nay, dịch bệnh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng cơ bản được kiểm soát tốt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bán lẻ cũng như các dịch vụ cơ bản thiết yếu đã được kinh doanh trở lại. Cụ thể, chỉ  số  phát  triển sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 2,59% so cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 12.210 tỷ đồng (tăng 5,6%); tổng mức  bán  lẻ  hàng  hoá  đạt 16.379,3 tỷ đồng (tăng 6,28%). Riêng kim ngạch xuất nhập khẩu còn giảm mạnh do các thị trường xuất khẩu chủ lực của tỉnh là Mỹ, EU, Trung Quốc,... bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, mọi hoạt động giao thương với các thị trường này đến nay còn bị tạm ngừng. Kết quả, xuất khẩu 5 tháng đầu năm chỉ đạt 391 triệu USD (giảm 15,76% so cùng kỳ năm trước), nhập khẩu đạt 109,82 triệu USD (giảm 36%). 

Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã dần ổn định. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn (nhất là đối với hoạt động xuất, nhập khẩu). Nhưng với sự nỗ lực của doanh nghiệp cùng sự cố gắng và hỗ trợ của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh trong việc tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp hoạt động sản xuất kinh doanh dần ổn định và phát triểnĐể đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất đối với các chỉ tiêu của ngành. Trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre sẽ tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh: Chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đề xuất thực hiện các quy định trong quản lý, điều hành, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mua bán sản phẩm trên môi trường trực tuyến, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; triển khai kế hoạch hỗ trợ xây dựng website cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; triển khai Đề án phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre.

Đồng thời, thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc để có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp; tổ chức hội nghị, tọa đàm tuyên truyền về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)  và các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp về thương mại của các nước để thông tin, khuyến cáo đến các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để chủ động trong sản xuất – tiêu thụ; giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

Giải pháp xúc tiến thương mại: Tập trung tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng từ đó đảm bảo tăng doanh thu cho doanh nghiệp và duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra; tổ chức Hội thảo xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại Tp.HCM; tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, khảo sát thị trường trong và ngoài nước; xây dựng hệ thống cửa hàng đặc sản và OCOP Bến Tre; tổ chức Hội chợ OCOP và đặc sản tỉnh Bến Tre tại  Hà Nội và Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Bến Tre – Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; Hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương  và trang thương mại điện tử…;

Giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp:  Tiếp tục tăng cường nắm bắt tình hình của hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn đối với từng lĩnh vực cụ thể, đẩy nhanh tiến độ các dự án (đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm). Đẩy mạnh rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre; thành lập cụm công nghiệp khi đủ điều kiện theo quy định. Bố trí các nguồn lực làm công tác quy hoạch, hỗ trợ phát triển khu, cụm công nghiệp  nhằm sớm tạo quỹ đất thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, phát huy tiềm lực của địa phương. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tìm nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế cho việc nhập khẩu để giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Giải pháp thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính: Tập trung rà soát các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh doanh thương mại trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị đảm bảo nhanh, đúng thời hạn; chủ động triển khai việc cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân trước thời hạn yêu cầu.
Nguồn: P. QLTM – SCT