• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Khuyến nghị về phiếu mua hàng nghi là giả phiếu mua hàng của hệ thống Sài gòn Coop phát hành và cách nhận biết phiếu mua hàng thật

(Cập nhật: 30/01/2020)

Theo phản ánh của Siêu thị Sài Gòn Co.op Bến Tre (Sài Gòn Co.op) trong thời gian vừa qua có nhiều người tiêu dùng trong tỉnh mang Phiếu mua hàng nghi là giả (tương tự như Phiếu mua hàng mệnh giá một trăm ngàn đồng do Sài gòn Co.op phát hành) đến siêu thị Co.op Bến Tre để mua hàng (phần lớn là người Thạnh Phú, Ba Tri, số ít ở Giồng Trôm, Tp. Bến Tre), phiếu màu xanh dương (có màu tương tự như Phiếu mua hàng của Co.op Bến Tre) và có mệnh giá là một triệu đồng. Khi nhân viên thu ngân tính tiền đã phát hiện Phiếu mua hàng nói trên không đúng Phiếu mua hàng của hệ thống Co.op phát hành. Siêu thị Co.op Bến Tre đã từ chối thanh toán và còn cho biết thêm: ngoài Hệ thống Sài Gòn Co.op Bến Tre còn có các hệ thống Sài Gòn Co.op khác như: Co.op Phan Rí Cửa (Bình Thuận); Co.op Buôn Hồ (Đăc Lăk); Co.op (Hải Phòng); Co.op (Thanh Hoá) cũng gặp phải trường hợp tương tư như trên.

 

Nguồn gốc phát sinh Phiếu mua hàng nghi là giả: Người tiêu dùng cho rằng những người lừa đảo đã lấy cắp thông tin cá nhân (số điện thoại, địa chỉ nơi thường trú) của họ từ những nơi mà họ thường giao dịch thương mại, dịch vụ (ngân hàng, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh (siêu thị); đăng ký sử dụng sim điện thoại…), sau đó sử dụng thông tin này vào mục đích lừa đảo người tiêu dùng thông qua hình thức “tặng quà - có phụ thu” để kiếm lợi nhuận bất chính. 

Đơn cử trong năm 2019 và tháng 01/2020, Co.op Bến Tre đã tiếp nhận khoảng 43 trường hợp Phiếu mua hàng giả Co.op, có mệnh giá một triệu đồng đồng/phiếu (tương đối giống một loại phiếu của Co.op - màu xanh dương nhưng khác mệnh giá). Cách thức lừa đảo: những người này đã điện thoại thông báo cho người tiêu dùng, với nội dung: “Quý khách đã được tặng một phần quà nhưng khi nhận quý khách vui lòng đóng một khoản tiền phụ thu”. Người tiêu dùng đã nhận gói quà gồm: nước hoa, mỹ phẩm, dầu gội và 02 Phiếu mua hàng màu xanh dương có mệnh giá một triệu đồng/phiếu và nộp tiền phụ thu là 499.000 đồng. Sau đó, Người tiêu dùng đã mang Phiếu mua hàng này đến Co.op Bến Tre để mua hàng. Tuy nhiên, Co.op Bến Tre đã từ chối thanh toán vì Phiếu mua hàng trên không do Sài Gòn Co.op phát hành.

Thực chất số người lừa đảo đã “biến tấu”các hình thức khuyến mại quy định tại Điều 9 và Điều 11, Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018, nhằm lừa đảo một số người tiêu dùng thiếu thông tin, nhẹ dạ, cả tin, đánh vào tâm lý những người tiêu dùng hám lợi. Hình thức này không xuất phát từ nhu cầu của người mua; không có sự đặt hàng, sự thoả thuận giữa bên mua và bên bán và người mua hoàn toàn không biết chất lượng, giá cả của hàng hoá và phương thức thanh toán. Như vậy, hình thức tặng quà - có phụ thu nói trên mục đích là bán hàng - thu tiền thông qua phương tiện điện tử, không phải thực hiện các hình thức khuyến mại (tặng quà) theo quy định của pháp luật về khuyến mại. Tổng số tiền phụ thu của 43 người tiêu dùng đã nộp cho  những người lừa đảo này khoảng 21 triệu 457 ngàn đồng.

Từ tình hình trên, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bến Tre khuyến nghị:

(1) Người tiêu dùng không nên nhận “gói quà” khi chưa biết rõ thông tin về “người gửi gói quà” đến cho mình là ai (tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nào, ở đâu chiụ trách nhiệm về chất lượng của hàng hoá nào?). 

(2) Người tiêu dùng hãy tìm hiểu kỹ lưỡng các thông tin về tổ chức hoặc cá nhân đã gửi “gói quà” đến cho mình (tên doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, địa chỉ kinh doanh, dịch vụ…).

(3) Khi nộp tiền phụ thu, người tiêu dùng cần sao (photo/chụp) lại phiếu/biên nhận thu tiền và cần có kiểm tra các thông tin sản phẩm có trong gói quà (tên hàng hoá, thành phần, xuất xứ, mã vạch, ngày sản xuất, hạn sử dụng, công bố chất lượng sản phẩm, địa chỉ chịu trách nhiệm về hàng hoá…..); cần xem kỹ giá trị, giá trị sử dụng từng món hàng hoá trong “gói quà” và đối chiếu nhanh với các hàng hoá này có trên thị trường cùng loại, nhất là cần xem kỹ về  ngày sản xuất, hạn sử dụng (nước hoa, sữa tắm, dầu gội…), nếu các thông tin nói trên bảo đảm là hàng hoá có giá trị sử dụng, có xuất xứ rõ ràng…thì người tiêu dùng có thể nhận hàng hoá trên và nộp tiền phụ thu (thực chất đây là tiền mua hàng) để tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Người tiêu dùng xem xét và cần phân biệt giữa Phiếu mua hàng thật màu xanh dương của Sài gòn Co.op phát hành và Phiếu mua hàng có màu xanh dương giống Phiếu mua hàng của Sài gòn Co.op được nghi là giả. Cách nhận biết Phiếu mua hàng màu xanh dương do Sài gòn Co.op phát hành dựa trên một số tiêu chí cơ bản sau đây:

Một số nhận biết về đặc điểm cơ bản Phiếu mua hàng của Sài gòn Co.op phát hành (màu xanh dương):

Mặt trước: Có Biểu tượng của Saigon Co.op được in ở góc trái của Phiếu (nhìn trực diện); có tem chống giả; có đóng dấu của Liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Sài gòn Co.op).

Mặt sau: Có in các biểu tượng (Logo) các Chi nhánh của Sài gòn Co.op

Và một số chi tiết khác như phông chữ của cụm từ “Phiếu mua hàng” là phông chữ thường (chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên – “P”) hoặc số seri… có thể hiện trên Phiếu mua hàng.   

 

 Phiếu mua hàng của hệ thống Sài Gòn Co.op - mệnh giá 100.000 đồng (mặt trước).

 

 

 Phiếu mua hàng của hệ thống Sài Gòn Co.op - mệnh giá 100.000 đồng (mặt sau).

 

Lưu ý: Sài gòn Co.op không phát hành “Phiếu mua hàng” màu xanh dương với mệnh giá 1.000.000 đồng.

 

Một số thông tin trên đây là những khuyến nghị người tiêu dùng cần thận trọng khi nhận quà nếu không biết rõ tổ chức, cá nhân nào gửi cho mình và cách nhận biết Phiếu mua hàng do Sài Gòn Co.op phát hành./.

Nguồn: Hội BVQLNTD Bến Tre