• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Giới thiệu các giải pháp đóng gói và công nghệ bảo quản sau thu hoạch  đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đối với hoa quả tươi
Quy trình xử lý sau thu hoạch đối với hoa quả phục vụ xuất khẩu

Giới thiệu các giải pháp đóng gói và công nghệ bảo quản sau thu hoạch đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đối với hoa quả tươi

(Cập nhật: 05/11/2021)
Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng là vựa trái cây lớn nhất cả nước với 58% tổng diện tích trồng cây ăn trái và sản lượng trái cây chiếm 40% tổng sản lượng trái cây cả nước. Một số loại trái cây nổi tiếng như  bưởi, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, cam, quýt,.. tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Bến Tre đang được ưa chuộng tại thị trường nước ngoài. Cơ hội mở ra rất lớn nhưng hiện nay tỷ lệ tổn thất và hao hụt trong ngành rau quả tươi khá cao với hơn 40% rau quả thu hoạch không đến được tay người tiêu dùng, nguyên nhân chính do ảnh hưởng từ khâu bảo quản và vận chuyển sản phẩm.

Một số giải pháp đóng gói và công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho nông sản tươi đang được áp dụng hiệu quả gồm:
1. Công nghệ MAP (Modified atmosphere packaging) - công nghệ bảo quản bằng màng bao gói khí quyển biến đổi là phương pháp bao bọc rau quả tươi trong vật liệu chắn khí, trong đó môi trường khí được điều chỉnh để ức chế quá trình hô hấp giúp rau quả tươi lâu hơn và vẫn đảm bảo chất lượng. Túi GreenMAP được làm từ nhựa LDPE kết hợp với một số chất phụ gia vô cơ như silica, zeolit, bentonit hoàn toàn không độc hại với sức khỏe con người.
 

Ảnh minh họa cơ chế hoạt động của túi GreenMAP trên thực tế
Nguồn ảnh: Hội thảo trực tuyến“Techmart Công nghệ sau thu hoạch trực tuyến 2021”

 
Hiện tại túi GreenMAP đã được thí nghiệm thành công cho hầu hết các loại rau quả giúp kéo dài thời gian bảo quản rau lên 14-15 ngày và trái cây lên 28-35 ngày trong môi trường lạnh.
Túi có nhiều kích thước dành cho xuất khẩu, bán lẻ và có thể làm từ nguyên liệu tự hủy theo yêu cầu của bên cung ứng hàng hóa. Cụ thể quả nhãn sau khi được tiêu diệt nấm mốc bằng Natacoat có thể bảo quản trong túi GreenMAP lâu hơn 35 ngày.


Nguồn ảnh: Hội thảo trực tuyến“Techmart Công nghệ sau thu hoạch trực tuyến 2021”

 
2. Giải pháp tiêu diệt nấm mốc trên trái cây an toàn và thân thiện môi trường
Natacoat chứa phụ gia thực phẩm được FDA chấp thuận – thành phần gồm Natamycin được pha trộn với các vật liệu ăn được như lớp phủ phô-mát. Nhúng trái cây tươi vào dung dịch pha loãng Natacoat sẽ tạo thành một lớp màng giống như sáp trên quả. Lớp sáp này giúp kéo dài khả năng chống nấm và ngăn ngừa mất nước khi xử lý sau thu hoạch.

 
Hình ảnh ứng dụng Natacoat trong bảo quản trái cây tươi
Nguồn ảnh: Hội thảo trực tuyến“Techmart Công nghệ sau thu hoạch trực tuyến 2021”

 
Cơ chế tiêu diệt nấm của Natacoat: Natamycin kết hợp với esgosterol đặc biệt trên màng tế bào nấm và cản trở khả năng thẩm thấu làm chết tế bào nấm. Cụ thể đối với bệnh thối thân chuối (vấn đề thường gặp sau thu hoạch trên các vết cắt của nải chuối), áp dụng Natacoat trên chuối Đài Loan mới cắt và sau khi xuất khẩu bằng đường biển sang Nhật, ngọn chuối vẫn trong suốt mà không bị nấm tấn công.
 

Ứng dụng Natacoat trong bảo quản chuối xuất khẩu
Nguồn ảnh: Hội thảo trực tuyến“Techmart Công nghệ sau thu hoạch trực tuyến 2021”

 
3. Giải pháp diệt khuẩn, diệt nấm hoàn toàn tự nhiên bằng Susaco
 Susaco là chất lỏng gốc nước, chứa Hypochlorous acid – một thành phần được tạo ra tự nhiên từ bạch cầu bên trong cơ thể con người, có khả năng diệt khuẩn hữu hiệu và ngay lập tức với nhiều loại vi trùng và vi khuẩn khác nhau,  bao gồm các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như: O-157 (Enterohemorrhagic E.Coli, Salmonella,…) và các loại nấm mốc, nấm men.

 

Ứng dụng bảo quản dưa leo bằng Susaco
Nguồn ảnh: Hội thảo trực tuyến“Techmart Công nghệ sau thu hoạch trực tuyến 2021”

4. Bảo quản nông sản sau thu hoạch bằng AnsiP
AnsiP là sản phẩm bảo quản sau thu hoạch dạng không khí không mùi, không độc hại, không có tồn dư, thân thiện môi trường, với thành phần chính chủ yếu là hoạt chất 1-methylcyclopropene (1-MCP), hợp chất sẽ bám trên tế bào thụ cảm Ethylene từ đó giúp khóa khí ethylene, làm chậm quá trình chín (lão hóa) giúp kéo dài độ tươi của rau, củ, quả.
AnsiP-G dạng viên nén với thành phần gồm 0.18% 1-MCP tan chậm trong nước (1 viên dùng cho 1m3 trong kho đông lạnh).

 

Các bước ứng dụng AnsiP-S trong bảo quản nông sản

 
AnsiP-S dạng vải không dệt được ứng dụng rộng rãi trong bảo quản trái cây. Cụ thể đối với quả xoài dùng AnsiP-G khi lấy từ kho mát, sau đó đóng gói với AnsiP-S đạt hiệu quả bảo quản cao. Bên cạnh đó, để bảo quản hoa có thể dùng AnsiP-S cắt 1/6 miếng đặt dưới đáy hộp, ví dụ hoa Viola Úc thường bắt đầu tàn trong 4 ngày, nhưng nếu được xử lý vẫn nguyên vẹn đến 14 ngày.

5. Giải pháp quản trị chuỗi cung ứng lạnh và kiểm soát khí quyển trong container
Giải pháp kiểm soát khí quyển trong Container ứng dụng cơ chế tăng khí CO2, giảm khí O2 và thêm khí O3 giúp kéo dài độ chín của trái cây, duy trì độ cứng và tươi, giảm thiểu phát sinh nấm mốc, thói rữa rau quả tươi và tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Chuỗi bảo quản sau thu hoạch (kiểm soát khí quyển trong kho và container)

 
Bến Tre là một trong chín tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ban tặng điều kiện thổ nhưỡng lý tưởng kết hợp cùng nguồn lao động cần cù, sáng tạo; trong thời gian tới nếu ứng dụng tốt các giải pháp đóng gói và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng có nhiều cơ hội phát triển, mở rộng thị trường và hội nhập quốc tế./.
Nguồn: TT.KC&XT – SCT