• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Dừa Bến Tre phải làm hữu cơ
Thương lái địa phương đang thu mua dừa.

Dừa Bến Tre phải làm hữu cơ

(Cập nhật: 10/10/2019)

Gần 2 năm qua, kể từ ngày Trung Quốc siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch, giá dừa liên tục sụt giảm thê thảm. Thời điểm đầu năm 2018, giá dừa dao động chỉ còn 40-50 nghìn đồng/chục.


Quá bèo! Đời sống của người dân ở Bến Tre càng thêm khó khăn.  

Bán trăm quả dừa mới đủ tiền mừng đám cưới!

Trong một dịp công tác tại xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, chúng tôi được nghe ông Lê Văn Danh, Chủ tịch xã tâm sự:

- Dừa và heo là kinh tế chính của bà con trong xã. Nay heo có dịch bệnh. Dừa thì rớt giá, bà con hết sức khổ sở. Mà đám tiệc thì không hẹn lại đến. Đi cái đám cưới ở đây bèo gì cũng 200 nghìn đồng. Bà con thân thuộc từ 300-500 nghìn đồng. Khi giá dừa giảm 40-50 nghìn/chục thì tiền mừng cưới quy ra dừa phải tính bằng trăm.

Bến Tre có hai huyện phụ thuộc vào chăn nuôi heo và trồng dừa. Đó là Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam. Chăn nuôi heo thì dịch bệnh liên miên, trong khi giá dừa chưa thể lên cao như trước.

Năm 2018, diện tích dừa Bến Tre đạt 72.022ha, sản lượng ước trên 615 triệu trái. Xuất khẩu dừa ở Bến Tre chủ yếu là 11 loại sản phẩm đã qua chế biến và dừa thô. Trong đó dừa xuất thô trên 52 triệu trái, được xuất chủ yếu tại thị trường Trung Quốc. 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng xuất thô chỉ đạt khoảng 29 triệu trái.  

Thương lái Trung Quốc trực tiếp mua dừa

Chúng tôi tìm hiểu cách thức thu mua dừa của thương lái Trung Quốc tại Bến Tre thì được biết, các thương lái Trung Quốc đã thành lập một số trạm thu mua và nhờ một số người địa phương đứng ra trực tiếp giao dịch.

Như tại trạm thu mua không tên tại xã Định Thủy, chúng tôi thấy toàn người dân địa phương đứng ra mua bán. Nhưng khi hỏi ra thì nhân viên ở đây nói trạm này của thương lái Trung Quốc thu mua. Sản lượng mỗi ngày dao động từ 26 nghìn đến 30 nghìn trái.

Sau khi dừa được các thương lái người địa phương giao hàng tại trạm này thì công nhân chuyển hàng lên xe. Sau đó, sẽ chuyển lên một bến cảng tại tỉnh Bình Dương để cho xuống tàu chở về Trung Quốc.

Anh Quốc, một người trong đội bốc vác này cho biết: “Tuần qua, giá dừa có tăng lên gần gấp đôi. Chúng tôi nhận được nhiều chuyến tải hàng hơn”. Anh cho biết: Vì siết chặt tiểu ngạch nên việc xuất khẩu dừa ngày càng khó khăn hơn.

Mỗi chuyến đi bằng tàu thương lái Trung Quốc sẽ mua hàng trong khoảng 4 ngày sau đó sẽ quay về. Mỗi tháng chỉ đi một hai chuyến. Và chi phí mua hàng rất cao. Vì vậy họ thường xuyên hạ giá mua xuống. Nếu mua thiếu hàng họ tranh nhau mới nâng giá thêm chút ít. Vì vậy tôi thấy giá dừa khó có thể lên cao như trước.  

Phải làm hữu cơ để đi chính ngạch

Trở lại Bến Tre công tác vào những ngày này chúng tôi có dịp ghé thăm bà con canh tác dừa ở HTX Nông nghiệp Định Thủy (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre). Tiếp chúng tôi là ông Đặng Trúc Phương, Giám đốc HTX. Khi bàn về tình hình xuất khẩu dừa sang thị trường Trung Quốc, ông Phương nói ngay: “Phải làm hữu cơ để đi chính ngạch!”.

Ông Phương cho biết: HTX NN Định Thủy được thành lập từ cuối năm 2017, thời điểm mà dừa trên đà rớt giá. Suốt năm 2018, thời điểm coi như là khó khăn nhất của HTX. Đến nay qua gần 2 năm hoạt động HTX Định Thủy đã từng bước đứng vững. Bước đầu, HTX hoạt động có hiệu quả.

Tổng diện tích dừa toàn tỉnh Bến Tre hiện đạt 72.660 ha, tăng 0,57% so với cùng kỳ.Hiện nay giá dừa khô tăng mạnh so với tháng trước, đạt 120 - 130 nghìn đồng/chục.

Tuy nhiên, ông Phương nói: Hiện nay, HTX chỉ liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong tỉnh còn thương lái Trung Quốc chúng tôi không đủ khả năng để hợp tác. Bởi vì HTX vốn ít không đủ vốn để mua số lượng hàng theo yêu cầu của các thương lái Trung Quốc. Bên cạnh đó, nếu họ nợ là chúng tôi hết vốn.

Biết là thị trường Trung Quốc mua nhiều nhưng chưa đi được chính ngạch, lái Trung Quốc mua về nước cũng phải đi chui thì nguy cơ rủi ro là rất cao. Xuất thô qua Trung Quốc không mang lại sự bền vững. Một số doanh nghiệp lớn tại Bến Tre đã tự đầu tư vùng nguyên liệu hữu cơ chế biến xuất khẩu dừa sang thị trường châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… Nhưng số lượng liên kết bao tiêu rất hạn chế.

Toàn tỉnh Bến Tre chỉ có 5 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ là Cty Lương Quới, Cty Betrimex, Cty Á Châu, Cty Hào Quang và Cty Dừa Xanh. Tính từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp đã thu mua hơn 12,6 triệu trái từ 38 THT, 16 HTX với quy mô 2.761,87 ha dừa. Trong khi tổng diện tích dừa toàn tỉnh Bến Tre đạt 72.660 ha. Tính đến đầu tháng 9 này tổng sản lượng dừa ước khoảng trên 53 nghìn tấn (khoảng 53,5 triệu quả).

Đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc là một trong các tiêu chí để dừa Bến Tre có thể đường hoàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian tới. Ông Châu Hữu Trị, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bến Tre cho biết: "Qua quá trình triển khai, vận động cộng đồng góp phần làm thay đổi nhận thức trong việc tổ chức sản xuất dừa theo hướng liên kết tạo chuỗi giá trị, chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Từ đó, bước đầu các doanh nghiệp, nông dân các địa phương đã có sự đồng thuận khá cao".

Tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đến tháng 6 năm 2019 trên địa bàn tỉnh là 6.385,1 ha, tăng 2.248,07 ha so với năm 2018. Trong đó, diện tích dừa đạt chứng nhận hữu cơ 3.226,5 ha, tăng 1.212,14 ha so với năm 2018 và 3.158,6 ha đang chuyển đổi.

Sau 3 năm chuyển đổi sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, hầu hết các vườn dừa đều cho năng suất tốt.

Nguồn: NNVN