• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Dự thảo biểu giá điện bán lẻ: Cân nhắc kỹ lưỡng và minh bạch
Khách hàng sẽ có thêm lựa chọn khi thanh toán tiền điện

Dự thảo biểu giá điện bán lẻ: Cân nhắc kỹ lưỡng và minh bạch

(Cập nhật: 14/08/2020)
Trên cơ sở tiếp thu nhiều ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, Bộ Công Thương đã chỉnh sửa, bổ sung Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (sửa đổi Quyết định 28/2014), lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét quyết định.
 


Thêm phương án lựa chọn

Dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng đề xuất 2 phương án, trong đó, phương án 1, biểu giá điện 5 bậc thang; phương án 2 có 5 bậc và một giá nhưng hai lựa chọn.

Ở cả hai phương án, số bậc thang rút xuống còn 5 bậc, sản lượng điện tiêu dùng - căn cứ để tính giá - cũng đã có sự điều chỉnh. Cụ thể, bậc 1 từ 0 - 100kWh, tăng số bậc thang từ 101kWh trở lên tới 401kWh ở các bậc 2, 3, 4 và bậc 5 - bậc cao nhất - sẽ lên mức 701kWh.

Đối với phương án 2, dự thảo đưa ra 2 lựa chọn là phương án 2A và 2B. Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá tương ứng 145% và 155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Tỷ lệ giá bán lẻ so với mức giá bán lẻ điện bình quân ở các phương án cũng có chênh lệch nhau. Nếu ở phương án 1, bậc 1, có tỷ lệ 90% thì bậc 5 ở mức cao nhất với 168%. Trong khi phương án 2A, bậc 5 mức cao nhất 274% và phương án 2B 185%.

Với các phương án này, dự thảo quy định khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm. Hiện nay, mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh, kể từ thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ điện ngày 20/3/2019. Nếu áp dụng phương án 2A, điện một giá sẽ lên tới trên 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Đặc biệt, các phương án đưa ra trong dự thảo vẫn giữ nguyên chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Hàng tháng, các hộ gia đình nghèo sẽ nhận được sự hỗ trợ tiền điện sinh hoạt tương đương với tiền điện sử dụng 30kWh (tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành). Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương sử dụng 30kWh (tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành). Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác.

Có thể nói, việc bổ sung thêm phương án một giá cùng những quy định đi kèm giúp các hộ khách hàng có thêm lựa chọn khi thanh toán tiền điện. Điều này cũng thể hiện tinh thần cầu thị của Bộ Công Thương đối với ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân và khách hàng sử dụng điện thời gian qua.

Không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang được thực hiện theo nguyên tắc như đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đảm bảo thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp; nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện. Đồng thời, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội; khắc phục được tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa; giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt với số bậc phù hợp với chênh lệch hợp lý giá điện cho các bậc… Đặc biệt, hai phương án điều chỉnh các bậc thang nêu trên đều đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mức bán lẻ điện bình quân hiện hành cho khách hàng sinh hoạt.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Giáo sư. Viện sỹ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho biết, xu hướng chung của thế giới là giảm dần số bậc thang và đưa về 1 giá điện khi thực hiện thị trường điện bán lẻ cạnh tranh đầy đủ (Singapore đã áp dụng). Việt Nam cũng đã phê duyệt lộ trình thị trường điện cạnh tranh, do đó, việc giảm số bậc thang là cần thiết. Tuy nhiên, trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng, Bộ Công Thương cần giải thích rõ hơn vì sao phương án 2 (5 bậc và 1 giá) lại có 2 lựa chọn và có mức chênh lệch nhau. Cơ sở tính toán ở đây là gì?

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế công nghiệp (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), nếu áp dụng 2 phương án tính giá điện cùng được triển khai, các hộ tiêu dùng ít sẽ chọn biểu giá bậc thang để hưởng mức giá thấp, hộ tiêu dùng điện nhiều sẽ lựa chọn phương án đồng giá để tránh hiệu ứng bậc thang. Vấn đề là làm thế nào để hài hòa lợi ích hộ tiêu dùng, cân bằng tài chính cho ngành điện và các yếu tố khác như tiết kiệm điện…

Một số chuyên gia cho rằng, phương án nào cũng sẽ có mặt được và chưa được. Do vậy, phải tính toán tổng thể, từ tác động xã hội, các hộ tiêu dùng, đến doanh thu ngành điện, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Nguồn: Congthuong.vn