• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Đánh giá tổng quan thị trường một số mặt hàng thiết yếu trong tháng 11 năm 2021
Ảnh minh họa: Sản phẩm gạo đa dạng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (Nguồn: P.QLTM)

Đánh giá tổng quan thị trường một số mặt hàng thiết yếu trong tháng 11 năm 2021

(Cập nhật: 24/12/2021)
Theo thông tin từ Tổ Điều hành thị trường trong nước, sau thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đồng thời hiện nay đang vào thời điểm cuối năm, các hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh đang dần phục hồi. Bên cạnh đó, trong tháng 11/2021, Chương trình kích cầu tiêu dùng Tháng Khuyến mãi tập trung Quốc gia năm 2021 do Bộ Công Thương chủ trì được tổ chức rộng rãi trên địa bàn cả nước đã góp phần làm cho thị trường hàng hóa trong nước tháng 11/2021 bắt đầu sôi động.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, về cơ bản đã được kiểm soát diễn biến dịch bệnh, phần nào định hướng việc hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Thị trường các mặt hàng thiết yếu nhìn chung không có biến động lớn, nguồn cung dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giá cả một số mặt hàng thực phẩm có xu hướng giảm (thủy sản, thịt các loại…), giá xăng dầu bắt đầu giảm theo giá thị trường thế giới, một số mặt hàng giá có tăng so với trước đây như: rau, củ, gạo, đường, phân bón, thức ăn chăn nuôi…do ảnh hưởng của nguồn cung trên thị trường thế giới. Giá cả một số mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu khá ổn định, riêng các mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp có xu hướng tăng, cụ thể:

- Giá gạo: Giá chào bán gạo xuất khẩu tại thị trường Châu Á trong tháng qua đã có dấu hiệu giảm sau khi tăng mạnh vào các tháng trước đó. Nguyên nhân chủ yếu do các biến động liên quan tới vấn đề tài chính và các nhà nhập khẩu kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm trong tháng cuối năm. Ở thị trường trong nước, do ảnh hưởng trực tiếp giá gạo xuất khẩu, giá gạo nguyên liệu tiếp tục tăng tại hầu hết các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh nguồn cung vụ Thu Đông vẫn khá dồi dào. Giá lúa, gạo tẻ thường tương đối ổn định. Hiện, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đang đạt mức cao nhất trong khu vực và cũng cao nhất trong 2 năm qua. Song, cạnh tranh với thị trường Thái Lan khá gay gắt và trước những khó khăn trong xuất khẩu gạo như nguồn cung dư thừa, đồng Bạt tăng mạnh và thiếu container vận chuyển, Chính phủ Thái Lan đã có chủ trương hỗ trợ người nông dân để ổn định giá gạo. Vì vậy, cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo sẽ ngày càng gay gắt.

Dự báo, trong thời gian tới, giá chào gạo xuất khẩu nhìn chung có thể giảm nhẹ để thu hút khách hàng. Trong nước, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo chất lượng cao và nếp các tháng cuối năm được dự báo tăng, giá gạo nguyên liệu có thể tiếp tục tăng do tình hình xuất khẩu khả quan hơn.

- Giá thịt heo: Sau khi có xu hướng phục hồi vào cuối tháng 10/2021, giá mặt hàng thịt heo tiếp tục ổn định và giảm nhẹ tại một số địa phương vào đầu tháng 11/2021. Tuy nhiên, vào nửa cuối tháng, giá thịt heo bất ngờ giảm mạnh, có thời điểm giá xuống mức 40.000-42.000 đồng/kg tại một số địa phương khi số ca nhiễm bệnh Covid-19 có xu hướng tăng trở lại, nhiều địa phương đánh giá nâng cấp độ dịch, đồng thời bệnh dịch tả heo Châu Phi cũng diễn biến phức tạp trên cả nước (có 57 tỉnh, thành phố có dịch tả heo Châu Phi, số lượng heo tiêu hủy tăng 3 lần so cùng kỳ năm 2020). Hiện giá heo hơi và các sản phẩm từ thịt heo có xu hướng phục hồi trở lại sau khi giảm mạnh. So với cùng kỳ năm trước, mức giá heo hơi hiện nay đã thấp hơn 26,3-33,3% so cùng kỳ năm trước.

- Giá thịt bò, gia cầm và thủy hải sản: Nhìn chung, giá thịt bò có xu hướng ổn định, giá thủy hải sản cũng có xu hướng ổn định sau khi hồi phục vào tháng 10/2021 do các địa phương đã dần mở lại các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình. Tương tự, giá các sản phẩm gia cầm (trừ giá trứng gia cầm) tiếp tục tăng nhẹ so với tháng 10/2021 do tiêu thụ tăng.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/11/2021, cả nước không còn dịch heo tai xanh và dịch lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm còn ở Ninh Bình, Quảng Ninh; dịch heo Châu Phi còn ở 43 địa phương và bệnh viêm da nổi cục còn ở 12 địa phương chưa qua 21 ngày.

- Rau củ quả: Trong tháng 11/2021, thời tiết thuận lợi, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường mới, nguồn cung dồi dào nên giá các mặt hàng rau củ quả có xu hướng giảm mạnh 20-30%, đặc biệt là các loại rau củ chính vụ Đông như các loại quả có múi, cải bắp, rau cải… so với tháng 10/2021 tại hầu hết các địa phương trên cả nước.

- Giá phân bón: Do giá các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất đầu vào tăng cao cộng với xu hướng giá phân bón trên thị trường thế giới nên giá các loại phân bón ở thị trường trong nước tháng qua tiếp tục xu hướng tăng mặc dù nhu cầu sử dụng chủ yếu cho hoa màu ở các tỉnh phía Bắc và chuẩn bị nguồn cung cho vụ Đông Xuân sớm ở các tỉnh phía Nam. Dự báo trong thời gian tới, giá phân bón thế giới tiếp tục xu hướng tăng do nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng. Ở trong nước chịu ảnh hưởng bởi giá phân bón thế giới cũng như nhu cầu tăng trong vụ Đông Xuân sắp tới nên giá phân bón tăng.

- Giá thức ăn chăn nuôi: Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới, trong tháng 11/2021, hầu hết giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng so với tháng trước. Tuy nhiên, giá thức ăn hỗn hợp lại có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước. Dự báo, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước trong thời gian tới sẽ ổn định.

Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định dự kiến trong thời gian tháng cuối năm và Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 sức mua trên thị trường sẽ giảm so cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết. Theo dự báo của một số công ty nghiên cứu thị trường, sức mua trong tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm 10% - 20% so với Tết năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân thắt chặt chi tiêu. Người dân cũng lo ngại dịch bệnh, hạn chế tập trung mua sắm nên thị trường khó nhộn nhịp như mọi năm.

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, tình hình thị trường hàng hóa trong tháng 11/2021 cũng như hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống… trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục duy trì hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”. Nhìn chung, tình hình hàng hóa trên địa bàn bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân, các loại lương thực, thực phẩm như: gạo, thịt gia súc, gia cầm, hải sản, rau, củ, quả… khá dồi dào, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động lớn. Riêng các mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thức ăn gia súc… biến động tăng giảm theo xu hướng chung của thị trường trong nước và thế giới.

Đối với thị trường hàng hóa Tết, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Bộ Công Thương về bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã có Công văn số 8115/UBND-KT ngày 09 tháng 12 năm 2021 về thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ hàng hóa Tết, chủ động rà soát tình hình cung cầu hàng hóa và phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Dự báo nguồn cung hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, không có biến động lớn về giá cả. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19 và thu nhập của người dân nên sức mua thị trường hàng hóa Tết sẽ giảm so cùng kỳ năm trước./.
Nguồn:P.QLTM – SCT