• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Covid-19 thúc đẩy thương mại điện tử Việt
Một tài xế đi giao hàng tại quận 3, TP HCM vào ngày 12/5.

Covid-19 thúc đẩy thương mại điện tử Việt

(Cập nhật: 07/09/2020)

Số liệu của iPrice Group cho thấy, nửa đầu năm vẫn có thể xem là thời điểm kinh doanh nhộn nhịp của thương mại điện tử, bất chấp Covid-19.

 


6 tháng đầu năm 2020, giá trị trung bình của các đơn hàng trực tuyến đạt 344.000 đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019, với 262.000 đồng.

"Trong bối cảnh tồn tại những lo ngại về việc sức mua giảm, việc người dân vẫn chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến là một dấu hiệu đáng mừng. Nó cho thấy có một sự chuyển dịch trong hoạt động mua sắm từ kênh offline lên online tại Việt Nam", nhóm chuyên gia iPrice bình luận.

Theo "Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam" của iPrice, điểm sáng của mua sắm trực tuyến nửa đầu năm nay là ngành hàng bách hóa. Nhu cầu mua hàng bách hóa trực tuyến đã tăng mạnh từ quý I, khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Sang quý II, Việt Nam sớm kết thúc giãn cách xã hội và có 99 ngày không có ca nhiễm mới nhưng xu hướng này vẫn được duy trì tốt.

Dữ liệu từ iPrice Group và SimilarWeb cho thấy lượng truy cập vào các website bách hóa tăng hơn 41% trong sau 6 tháng đầu năm. Tương tự, lượng truy cập vào các website ngành hàng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe tăng 21%.

"Kết quả này chứng minh rằng nhu cầu cho hai ngành hàng bách hóa và chăm sóc sức khỏe trên kênh trực tuyến không phải là nhất thời. Cú hích từ Covid-19 đã tạo ra các thói quen mua sắm trực tuyến mới, mang đến động lực tăng trưởng lâu dài cho các ngành hàng trước đây vốn không phải là trọng tâm", nhóm nghiên cứu của iPrice Group nhận định.

Nguồn dữ liệu: iPrice Group và App Annie. Đồ họa: iPrice Group

Trước xu thế này, trong quý II, các sàn thương mại điện tử xác định bách hóa và thực phẩm tươi sống là một hướng cạnh tranh dài hạn, dẫn đến những bước đi cụ thể, quyết đoán hơn. Giữa tháng 4, Lazada cung cấp thực phẩm tươi sống, giao hàng nhanh trong 2 giờ.

Đến tháng 5, Tiki cũng giới thiệu dịch vụ bán hàng tươi sống giao nhanh trong 3 giờ. Tiki cho hay, những sản phẩm đang bán chạy của dịch vụ này gồm hải sản cao cấp (tôm hùm, tôm sú, hàu sữa), trái cây (nho, cherry, cam vàng, táo), các sản phẩm thịt tươi sống...

Công ty cho biết, 60% đơn hàng tươi sống được thanh toán trực tuyến trong khi tỷ lệ chung của toàn sàn là 40%. Cùng với đó, số đơn đồ tươi sống nhanh 3h chiếm hơn 40% tổng số đơn giao nhanh của toàn ngành hàng bách hóa. Hai con số này chứng tỏ nhu cầu mua thực phẩm tươi sống qua mạng với nhu cầu giao nhanh và không tiền mặt đang khá cao.

"Dự kiến vào đầu tháng 10, ngành hàng này sẽ có mặt tại Hà Nội. Đồng thời, những đối tác là các chuỗi siêu thị cũng sẽ lên sàn trong thời gian tới", bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc Quản lý Sàn thương mại tại Tiki, cho biết.

Ở chiều ngược lại, ngành hàng thời trang tiếp tục ảm đạm, khi tổng lượng truy cập website giảm sâu 29% so với quý I. Ngành thiết bị di động cũng giảm đến 13%. Riêng điện máy trở lại mức tăng 10%. Theo iPrice, sự sụt giảm trong chi tiêu do nhu cầu tiết kiệm của người dân đã khiến các ngành hàng không thiết yếu chịu thiệt hại.

Nhiều đơn vị cũng tranh thủ "lên sàn" để tận dung việc nhiều người quan tâm mua sắm online hơn. Lazada cho hay, trong tháng 7, khu vực bán hàng chính hãng LazMall Việt Nam ghi nhận tổng số lượng thương hiệu tăng hơn 40%, số lượng đơn hàng tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Võ Thanh Lộc, CEO của Farmers’ Market, một đối tác ngành hàng thực phẩm tươi sống cho biết, sau một tháng đầu thử nghiệm, đơn hàng trên Tiki đã chiếm hơn 20% tổng số đơn hàng online của công ty. "Không chỉ trong các khung giờ ưu đãi, tỷ lệ khách hàng quay lại hàng ngày vẫn rất tốt", ông Lộc nói.

Một điểm nhấn khác là lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm tăng mạnh từ quý II, đạt 12,7 tỷ lượt, cao nhất từ trước đến nay và tăng 43% so với quý đầu năm, theo iPrice Group và App Annie.

Tốc độ tăng trưởng này là vượt hơn so với phần lớn các nước trong khu vực. Cả khu vực Đông Nam Á trong quý II tăng 39%. Singapore tăng 25%. Indonesia tăng 34%. Xét con số cụ thể, Việt Nam cũng xếp thứ ba toàn Đông Nam Á về tổng lượng truy cập các ứng dụng mua sắm trực tuyến, chiếm 19,5% thị phần.

Nguyên nhân là thời gian cao điểm dịch, đặc biệt trong tháng 4, các sàn thương mại điện tử giảm khuyến mãi, quảng cáo nhưng đẩy mạnh các hoạt động livestream và game trên ứng dụng di động. Mục tiêu là để tăng tương tác và tăng lượng người sử dụng ứng dụng, tranh thủ quãng thời gian giãn cách xã hội.

Thực tế, từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, các sàn đã có nhiều thử nghiệm nhằm phát triển mua sắm trên di động: Tiki có TikiLive, Shopee có Shopee Feed, Sendo có SenLive. Sau đó, Covid-19 xuất hiện đã đẩy nhanh các ý tưởng này.

Gần đây nhất, hôm 4/9, Lazada tuyên bố sẽ làm một đại nhạc hội trực tuyến vào tối ngày 8/9 tới trên ứng dụng, với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia. Đi kèm đó âm nhạc, họ còn tổ chức gameshow đoán giá tặng thưởng bằng voucher mua sắm sự kiện 9/9.

Tuy nhiên, bội thu lượt khách vào ứng dụng chủ yếu là các doanh nghiệp ngoại. Theo iPrice Group và App Annie, top 10 ứng dụng mua sắm trực tuyến được sử dụng nhiều nhất Việt Nam quý vừa qua lần lượt là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo, và theo sau là một loạt các ứng dụng nước ngoài. Thegioididong là đơn vị nội địa duy nhất ngoài Tiki và Sendo có mặt trong top 10.
 

 Nguồn: Vnexpress.net