• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2018

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2018

(Cập nhật: 09/04/2019)

Thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành triển khai thực hiện thường xuyên và được chỉ đạo từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến các sở, ngành có liên quan, đoàn thể và các huyện, thành phố trong tỉnh. 

Kể từ khi Luật BVQLNTD có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2011), Bến Tre đã triển khai thực hiện Luật và các văn bản dưới Luật, kể cả những tài liệu hướng dẫn, sổ tay của Bộ Công Thương,… đến các ngành, đơn vị chức năng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, các huyện; các tổ chức, cá nhân, kinh doanh, dịch vụ; hội viên của các đoàn thể (Cựu chiến binh, Phụ nữ, Người Cao tuổi, Nông dân,…) và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh một cách sâu rộng, thường xuyên, kể cả vùng nông thôn, ngay cả tuyên truyền đến các đối tượng là lực lượng học sinh, sinh viên.

Để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các đối tượng có liên quan các chính sách, pháp luật về BVQLNTD trên địa bàn tỉnh, từ năm 2011 – 2018, Sở Công Thương phối hợp Hội BVQLNTD đã tổ chức 170 hội nghị, hội thảo, với 14.115 đại biểu tham dự; 02 cuộc tọa đàm; viết 186 bài và 116 tin. Qua Hội thảo các đại biểu tham dự đều được cập nhật kiến thức về BVQLNTD và nâng cao ý thức về BVQLNTD. Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp với các huyện, Hội BVQLNTD tổ chức các hội thảo kèm theo chương trình trả lời câu hỏi cho các học sinh trung học phổ thông, phát các tài liệu đến tận các xã, phường trên địa bàn tỉnh, tổ chức các lớp phổ biến chuyên cho các đối tượng là phụ nữ, cán bộ phụ nữ xã; các đài truyền thanh xã, phường phát trực tiếp khoảng 1.477 lượt thông tin các quy định về BVQLNTD.

Thời gian qua các Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chức năng BVQLNTD như: tại các chợ đều có bố trí cân đối chứng để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hoá; Tham gia cùng Hội BVQLNTD kiểm tra nhắc nhở các hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ thực hiện niêm yết giá và bán theo đúng giá niệm yết; Phối hợp cung các ngành chức năng kiểm tra cân của hộ tiểu thương tại các chợ; Ngoài ra, Ban Quản lý chợ thường xuyên kiểm tra đo lường tại các chợ theo phẩn ánh của người tiêu dùng; Công khai đường dây nóng của Ban Quản lý chợ để người tiêu dùng có thể phản ánh kiến nghị.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường luôn được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện; mỗi ngành đều có xây dựng kế hoạch riêng để chủ động thực hiện. Từ năm 2011 đến năm 2018, đã thực hiện kiểm tra 10.697 vụ, lập biên bản vi phạm 10.173 vụ, tổng số tiền xử phạt 62.857 tỷ đồng, chủ yếu hộ kinh doanh nhỏ l, số lượng hàng hoá vi phạm không lớn và không ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên công tác giải quyết các yêu cầu của người tiêu dùng tại các huyện do UBND cấp huyện thực hiện còn hạn chế. Các yêu cầu của người tiêu dùng phần lớn được Hội BVQLNTD hòa giải bước đầu, phần lớn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thỏa thuận được với người tiêu dùng thông qua công tác hòa giải.

Từ năm 2011 đến nay, đã tiếp nhận tư vấn, hoà giải là 228 vụ khiếu nại và phản ánh khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó: Hoà giải thành 89 vụ đủ điều kiện, tư vấn 110 vụ không đủ điều kiện (không có hoá đơn chứng từ), còn lại 29 vụ chuyển đến cơ quan khác giải quyết hoặc hoà giải không thành. Tổng trị giá hàng hoá, dịch vụ khiếu nại là 3,606 tỷ đồng. Tổng số tiền hoàn lại hoặc bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng là 329 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, công tác BVQLNTD trong thời gian qua cũng còn những mặt hạn chế: Phần lớn công chức phụ trách công tác BVQLNTD của các Sở Công Thương đều hoạt động kiêm nhiệm, chưa tập trung nhiều vào công tác BVQLNTD, một người phải phụ trách nhiều mảng công việc, nhất là trong giai đoạn hiện nay ngày càng tinh giản biên chế. Nội dung Luật BVQLNTD rất nhiều, công chức phụ trách phải nắm nhiều quy định của pháp luật, đặc biệt là trong việc kiểm soát hợp đồng mẫu/điều kiện giao dịch chung liên quan đến nhiều lĩnh vực như nhà ở chung cư, ngân hàng, viễn thông, nước sinh hoạt,…; Tại các huyện, đơn vị giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BVQLNTD chưa có hướng dẫn cụ thể, chỉ quy định chung chung nên công việc giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn rất hạn chế, chủ yếu được thực hiện tại các Hội BVQLNTD thông qua tư vấn, hòa giải và chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết; Theo quy định của Luật BVQLNTD giải quyết các vụ án về BVQLNTD theo “thủ tục đơn giản” nhưng theo quy định của Luật Tố tụng Dân sự quy định “thủ tục rút gọn” nên thời gian qua Bến Tre giải quyết vụ ngộ độc bánh mì theo thủ tục vụ án dân sự thông thường; Tổ chức xã hội về BVQLNTD là tổ chức xã hội nên việc thành lập phải theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Đây là tổ chức tự nguyện chủ yếu là các cán bộ công chức nghỉ hưu tham gia, kinh phí do Nhà nước hỗ trợ hoạt động, các Hội kiến nghị hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị hoạt động, chính sách đối với cán bộ trẻ tham gia chuyên trách ở các Hội,… nhưng nguồn kinh phí của tỉnh rất hạn chế; Công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương thực hiện công tác BVQLNTD chưa nhiều; đôi khi chưa nhận thức tốt về công tác BVQLNTD là trách nhiệm chung của toàn xã hội; Một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng chưa có ý thức trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp cho người tiêu dùng.

Để triển khai thực hiện tốt công tác BVQLNTD hơn nữa trong thời gian tới cần: đề xuất hướng dẫn cụ thể về công tác nhân sự giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BVQLNTD vì hầu hết các yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết ở cấp huyện; Tổ chức các lớp tập huấn về công tác chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ công chức phụ trách công tác BVQLNTD cấp huyện và cán bộ của tổ chức xã hội tham gia hoạt động BVQLNTD; Có hướng dẫn cụ thể việc thành lập tổ chức xã hội BVQLNTD để đáp ứng các nội dung công việc của Luật BVQLNTD, cũng như cơ chế, chính sách cho cán bộ trong tổ chức xã hội (các Hội), vì các tỉnh, thành thực hiện không giống nhau; đề xuất sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ.

Nguồn: QLTM-SCT