• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Con đường hỗ trợ phát triển Thương mại điện tử cho doanh nghiệp Bến Tre

Con đường hỗ trợ phát triển Thương mại điện tử cho doanh nghiệp Bến Tre

(Cập nhật: 22/07/2019)

Thành công bước đầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh sản phẩm từ Dừa của tỉnh Bến Tre trong việc tiếp cận mô hình kinh doanh Thương mại điện tử đã tạo nên hiệu ứng tích cực đối với các tỉnh lân cận khu vực Tây Nam Bộ. Có thể nói, TMĐT đã, đang và sẽ mở ra cơ hội để các sản phẩm, đặc sản địa phương hiện diện rộng khắp, không những tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp mà còn tạo thuận lợi cho người tiêu dùng. 
Từ Dừa Bến Tre tiên phong đẩy mạnh mô hình TMĐT trong kinh doanh…

Sau sự kiện, “Ngày của làng Dừa Bến Tre Online” được tổ chức vào ngày 20/5/2019, chúng tôi cảm nhận được không khí hồ hởi, phấn khởi và thay đổi của các doanh nghiệp nơi đây. Bến Tre là tỉnh tiên phong trong chuỗi sự kiện “Làng nghề đặc sản online” thuộc dự án “phát triển thương mại điện tử bền vững” do Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (vecom.vn) khởi xướng, đồng hành với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT như Lazada Việt Nam (lazada.vn), Công ty Cổ phần Sapo (sapo.vn), Dịch vụ chuyển phát VNPost (vnpost.vn), Trung tâm Internet Việt Nam (vnnic.vn)...nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng mô hình TMĐT trong kinh doanh.

Vừa qua, đã có 16 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề ngành dừa Bến Tre tham gia bán hàng trên lazada.vn. Kết quả bán được 461 sản phẩm trong ngày chạy “flash sale” 25/4. Trong sự kiện đặc biệt 20/5  “Ngày của làng dừa Bến Tre online” đã đưa  289 loại sản phẩm lên Lazada và bán được 1877 sản phẩm. Đây là số liệu vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh nhưng nó cũng cho thấy hiệu quả từ việc kêu gọi, quyết tâm đồng hành của VECOM và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT, cam kết hỗ trợ từ chính quyền địa phương và sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp.



Ảnh: Sắc xanh của Dừa tràn ngập sàn TMĐT Lazada.vn trong ngày của Làng dừa Bến Tre (nguồn: Lazada.vn)

Là đơn vị tham gia chương trình, bà Ngô Thị Kiều Dương, Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Dừa Phú Long (myphamduaphulong.vn) chia sẻ: “Nhờ chương trình, chúng tôi đã đạt được mục tiêu bước đầu trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm cùng hình ảnh của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng”. Bà Dương cũng cho biết mục tiêu trong tương lai doanh nghiệp bà sẽ bước ra thị trường TMĐT thế giới để sản phẩm có thể đến tay người tiêu dùng toàn cầu.

Ngoài câu chuyện phát triển thương hiệu, bà Trương Thị Cẩm Hồng, Giám đốc công ty TNHH Chế biến sản phẩm Dừa Cửu Long (matnaduacuulong.vn) cho rằng: “Doanh nghiệp ngoài bán hàng cũng phải rất quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu, hình ảnh của mình trên TMĐT để tránh thiệt hại về kinh tế”. Bà Hồng cho hay, ngay khi tham gia chương trình và được tư vấn, hỗ trợ về bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, bà đã đăng ký ngay tên miền “.VN” để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp của bà tại thị trường trong nước”.

Theo báo cáo tổng kết của Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, chủ đề “Ngày của làng Dừa Bến Tre Online” thu hút sự quan tâm theo dõi của người tiêu dùng khắp nơi trong và ngoài nước. Doanh nghiệp ngành dừa Bến Tre đã tận dụng tốt cơ hội để quảng bá sản phẩm, nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh doanh thu bán hàng, tạo được tiếng vang trên thị trường TMĐT trong và ngoài nước.        

Trong quá trình triển khai, Sở Công Thương Bến Tre và Ban tổ chức dự án cũng ghi nhận những khó khăn gặp phải như Tỉnh còn thiếu nguồn nhân lực hiểu biết, am hiểu về TMĐT; doanh nghiệp cần hỗ trợ thì không biết kêu ai vì không phải lúc nào cũng có Đoàn xuống tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tỷ lệ chuyên môn hóa rất thấp, một nhân sự thường phải kiêm nhiều việc, không có nhân sự chuyên trách cho mảng kinh doanh theo mô hình TMĐT. Và còn một vấn đề đến từ tâm lý doanh nghiệp e ngại sự thay đổi, quá quen với cách làm truyền thống lâu nay, không tự tin kinh doanh trên TMĐT. Đây cũng là câu chuyện không phải chỉ của riêng Bến Tre mà là câu chuyện chung của các làng nghề đặc sản ở các địa phương khác.


Ảnh: các sản phẩm dừa của Bến Tre đã được tái hiện bằng lối kể chuyện dí dỏm thu hút khách tham quan mua sắm (nguồn: Lazada.vn)

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam “những khó khăn và kết quả chưa như kỳ vọng từ địa phương đầu tiên là tỉnh Bến tre áp dụng mô hình TMĐT trong kinh doanh sản phẩm từ Dừa là điều có thể tiên đoán từ trước. Tuy nhiên, nếu như chúng ta không bắt tay làm thì những khó khăn đó không bao giờ vượt qua được. Khó khăn sẽ bó cuộc tư duy của chúng ta. Quan trọng là chúng ta phải trải nghiệm để biết được những vướng mắc ở đâu để khắc phục, giải quyết. Và đặc biệt, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng địa phương như Sở Công Thương tỉnh, các hiệp hội, làng nghề địa phương cùng sự hỗ trợ của các Doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT”.

Triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển Thương mại điện tử thời gian tới

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với VECOM và các đơn vị thành viên - cung cấp các giải pháp TMĐT, tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến. Dự kiến trong tháng 8/2019, Sở sẽ phối hợp VECOM tổ chức diễn đàn Thương mại điện tử với chủ đề “Thương mại điện tử: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Bến Tre”, dự kiến có khoản 350 đại biểu là các doanh nghiệp và đặc biệt  các chuyên gia TMĐT của VECOM, Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công Thương sẽ cùng tham gia diễn đàn này.

Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ đẩy mạnh tiến độ hoàn thành sàn giao dịch TMĐT Đặc sản Bến Tre trong năm 2019, là nơi quảng bá, giới thiệu, bán buôn các sản phẩm cho doanh nghiệp Bến Tre. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng website miễn phí cho doanh nghiệp.

Đồng thời, phối hợp Lazada triển khai giai đoạn lan tỏa mời tất cả các doanh nghiệp Bến Tre có sản phẩm phù hợp tham gia bán hàng trên Lazada. Song song đó, là việc hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, chuẩn hóa sản phẩm, bao bì, tem nhãn tạo lợi thế cạnh tranh khi tham gia bán hàng trực tuyến.

Sang năm 2020, theo kế hoạch Sở sẽ phối hợp với Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công Thương thực hiện đề án Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre. Sở cũng sẽ linh hoạt có những hoạt động khác hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trực tuyến theo nhu cầu của doanh nghiệp và diễn biến thị trường.

Sở Công Thương đang nổ lực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bán hàng trực tuyến cũng như phát triển TMĐT. Sở hy vọng sẽ được sự đồng hành của các cơ quan, các cấp, các ngành và sự hưởng ứng, phối hợp của quý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái, một môi trường TMĐT Bến Tre ngày càng sôi động và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới./.

 
Nguồn: QLTM - SCT