• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Cô hướng dẫn viên đã làm cho dừa ‘cười’
Dừa cười – Sản phẩm độc đáo và giá trị của Bến Tre (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Cô hướng dẫn viên đã làm cho dừa ‘cười’

(Cập nhật: 05/10/2020)
Dừa cười! Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng đây là câu chuyện có thật tại Bến Tre, khi một bạn trẻ khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm độc đáo từ trái dừa, làm cho trái dừa trở nên sinh động, trở nên có hồn. Dừa cười không chỉ giúp người tạo ra nó có được niềm vui vì lợi nhuận, mà còn giúp người nông dân Bến Tre phấn khởi bởi giá trị của dừa trái được nâng cao…Chúng tôi đang kể về câu chuyện của Phạm Thị Vân, một người trẻ lặn lội từ Hưng Yên vào Bến Tre để khởi nghiệp với sản phẩm có một không hai là dừa cười, tạo sức hút không chỉ với thị trường trong nước mà còn đủ sức cạnh tranh với nhiều quốc gia có thế mạnh về dừa như như Indonesia, Philippines, và đặc biệt là Thái Lan.

Nâng giá trị sau chế biến

Sau nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch, rong ruổi tới cả chục quốc gia, cô gái sinh năm 1985 này nhận thấy dừa được ưa chuộng ở những nước mình từng lui tới. Trong một lần dẫn khách đến Australia, Vân được uống thử dừa nắp khoen và chợt nhận ra dừa ở Việt Nam còn ngon hơn, nhưng chưa ai biết cách để nâng cao giá trị. Do vậy, năm 2017, Vân quyết định bỏ công việc hướng dẫn viên, tìm về Bến Tre để lập nghiệp.

Theo suy nghĩ của cô, các sản phẩm nông nghiệp trong nước chưa được đầu tư một cách bài bản, nhất là công nghệ sau chế biến để nâng cao giá trị. Trong khi đó, nhiều khách hàng nước ngoài qua Việt Nam, nhờ Vân dẫn đến Bến Tre để mua dừa từ nông dân và các doanh nghiệp để đưa về nước họ. Vân nghĩ rằng, tại sao mình không làm thương hiệu cho dừa để xuất khẩu, thay vì xuất thô. Do vậy cô gái này từ bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch, về Bến Tre khởi nghiệp. Nếu xuất khẩu đảm bảo được sản lượng và chất lượng theo yêu cầu cao của thị trường quốc tế, thì chỉ dừa Bến Tre mới đáp ứng nổi.

Sau thời gian dài nghiên cứu, tìm cách để làm cho trái dừa trở nên hấp dẫn, cuốn hút khách hàng, từ đó mang lại giá trị kinh tế cao hơn, cô gái gốc Hưng Yên này học cách cắt gọt dừa trái, gắn khoen để tạo sự tiện lợi cho người sử dụng. Trên quả dừa, sau khi lột vỏ, xuất hiện hai lỗ nhỏ. Từ trí tưởng tưởng của mình, Vân xác định hai lỗ này ứng với hai mắt người. Vân xác định thêm một vị trí cân đối với hai mắt để tao hình miệng cười và vị trí gắn nắp khoen. Để tạo ra quả dừa cười, Vân dùng máy cắt tạo hình khuôn mặt người, từ đó tạo được ấn tượng mạnh, bắt mắt. Đây cũng là cách để tiết kiệm chi phí logistics, bởi những trái dừa được cắt gọt sẽ không chiếm nhiều diện tích trong lưu trữ, vận chuyển, cung cấp đến thị trường… Đối với Phạm Thị Vân, ngoài việc tạo hình cho quả dừa, thì việc tuyển lựa nguyên liệu là yếu tố quan trọng, là điều tiên quyết để chinh phục người tiêu dùng không chỉ trong nước, mà còn cả quốc tế.

Theo Vân, dừa ở Bến Tre không phải loại nào cũng được chọn để sản xuất… dừa cười. Nguyên liệu chủ yếu là dừa xiêm xanh, đỏ, dừa dứa được tuyển chọn từ các huyện Giồng Trôm, Châu Thành và vùng lân cận TP Bến Tre. Những huyện khác như Bình Đại, Mỏ Cày, Thạnh Phú, dừa thường bị nhiễm mặn do gần biển, do đó, nước dừa không có được độ ngọt thanh. Theo Vân, việc chọn được quả dừa có độ ngọt thanh, khách hàng thích uống, thì cần kỹ lưỡng. Khi khách hàng yêu thích, sản phẩm được đẩy lên phân khúc cao cấp, từ đó giá bán trở nên cao hơn.

“Nhiều người cứ nghĩ rằng chế biến dừa là công việc dễ dàng, nhưng thực ra không có gì dễ nếu mình không nắm chắc được kỹ thuật, biết rõ những ưu, nhược điểm của dừa nguyên liệu”. Vân nói thêm: dừa tiêu chuẩn uống nước ở Việt Nam thường được cắt khi còn rất non, được thu hoạch chỉ sau 25 ngày ra trái. Những loại dừa này cơm nhão, mỏng và không đạt được độ ngọt như mong muốn, thậm chí non quá dễ bị chua. Khi đưa dừa non vào chế biến, ngoài việc không đảm bảo độ ngọt của nước, việc xử lý khó khăn, bị bể gáo… Vậy nên dừa nguyên liệu để làm dừa cười phải đạt từ 33 – 35 ngày mới thu hoạch. Khi đó, gáo dừa đã có độ chắc chắn, việc cắt gọt, tạo hình dễ và đặc biệt là chất lượng nước, độ ngọt đảm bảo yêu cầu.

Tạo nên đôi cánh để dừa bay xa

Thành công với sản phẩm dừa độc đáo này, Vân tìm cách cung cấp đến quán cà phê cao cấp, các khu resort… Đặc biệt, dừa cười đã tạo được ấn tượng mạnh, là niềm tự hào của lãnh đạo địa phương, vậy nên sản phẩm thường xuyên được các cơ quan ban ngành của Bến Tre sử dụng trong các sự kiện, hội nghị, tiếp khách, làm quà tặng…

Là một người giỏi ngoại ngữ, nên khi tiếp cận và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế đối với Vân tương đối thuận lợi. Hiện sản phẩm đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu. Tuỳ từng thị trường, Vân sẽ cung cấp, thiết kế sản phẩm theo đúng yêu cầu về ngoại hình, màu sắc, độ ngọt… Hiện trung bình mỗi tháng, công ty TNHH Dừa Cười của Phạm Thị Vân sản xuất khoảng 250.000 trái, trong đó có 50.000 trái đến với bạn bè quốc tế.

Theo anh Vũ Trần Thụ, giám đốc công ty TNHH ĐT TM-DV Mộc Lan Viên, TP.HCM, đơn vị hỗ trợ xuất khẩu dừa cười, đây là loại nông sản tươi, nên các công đoạn từ sản xuất, đóng gói, bảo quản phải theo quy trình nghiêm ngặt, để khi xuất khẩu phải đảm bảo được độ tươi. Hiện nay, Nhật Bản và Hàn Quốc đang sử dụng sản phẩm dừa tươi của Vân. Đây là những thị trường yêu cầu chất lượng cao, và họ đã tìm đúng vùng nguyên liệu là Bến Tre. Do vậy, Vân đã tìm đúng hướng khi khai thác loại trái cây này, và chúng tôi đã mang được sản phẩm qua nước bạn để kết nối, giao thương thành công.

Còn với cô chủ sản phẩm dừa cười, đối thủ lớn nhất chính là Thái Lan, vì họ đi trước mình khá xa về công nghệ chế biến sau thu hoạch. Dừa Thái Lan đã xuất khẩu đến 93 quốc gia trên thế giới, do vậy, chúng ta không thể cạnh tranh với họ mà chỉ giành khoảng thị phần nhỏ. Còn đối với Philippines và Indonesia, dừa của họ cũng khá nhiều, nhưng họ chỉ chủ yếu tập trung vào sản xuất nước dừa đóng hộp, nên mình cũng không đáng ngại.

Hiện nay, dừa cười không chỉ giúp cho dừa Bến Tre nâng lên một tầm cao mới, mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn giúp người nông dân yên tâm trồng dừa. Bên cạnh đó, việc khởi nghiệp của Vân còn giúp giải quyết được công ăn việc làm thường xuyên của 10 lao động cố định và 50 lao động thời vụ. Với niềm đam mê và tính sáng tạo, chắc chắn Phạm Thị Vân sẽ giúp trái dừa Bến Tre ngày càng vươn xa hơn nữa, mang lại nguồn lợi kinh tế và nguồn thu nhập tốt cho người trồng dừa ở Bến Tre.

Nguồn: Công ty Dừa Cười, Bến Tre