• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Bến Tre có một làng nghề mang tên “Bánh phồng Sơn Đốc”
Ảnh chụp Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc Mười Thiết tại xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre Nguồn: TT KC&XT

Bến Tre có một làng nghề mang tên “Bánh phồng Sơn Đốc”

(Cập nhật: 15/02/2022)

Nhắc đến Bến Tre sẽ không thể không nhớ đến câu nói quen thuộc “Bánh tráng Mỹ Lồng bánh phồng Sơn Đốc”. Từ Thành phố Bến Tre đi dọc theo Tỉnh lộ 887 khoảng 20 cây số bạn sẽ tiến vào một làng nghề mà người dân ở đây vẫn hay gọi là “Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc”.

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc tọa lạc tại xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nó đã tồn tại hơn 100 năm qua và được biết đến không chỉ trong tỉnh nhà, mà còn nổi tiếng rộng khắp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và thậm chí trong cả nước. Năm 2001, để đưa thương hiệu “bánh phồng Sơn Đốc” tiếp cận đến nhiều đối tượng tiêu dùng và khách du lịch, mở rộng kinh doanh và phát triển sản xuất, một số hộ kinh doanh đã cùng lập ra Hợp tác xã Bánh phồng Sơn Đốc. Ngày 23-3-2019, UBND huyện Giồng Trôm tổ chức lễ công bố và đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc” xã Hưng Nhượng.

 


Đại diện địa phương đón nhận bằng Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia  “Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc”
(Nguồn: Internet)

 

Ban đầu, bánh phồng Sơn Đốc chỉ xuất hiện trong dịp lễ tết, bởi người ta cho rằng, tết đến mới cần có bánh phồng để mọi người quây quần sum họp và để tiếp khách đến thăm nhà. Thế nhưng chính hương vị béo ngậy, cắn vào giòn giòn, ngọt ngọt lại thơm lừng đã khiến nghiền dân nơi đây càng ăn càng ghiền, vậy là chiếc bánh phồng Sơn Đốc dần xuất hiện nhiều hơn và trở thành một đặc sản không thể không nhắc đến ở vùng quê Hưng Nhượng.

Muốn làm ra một chiếc bánh phồng Sơn Đốc ngon phải lựa chọn nguyên liệu thật kỹ. Nếp phải là giống nếp sáp, vừa thơm, vừa dẻo. Nước cốt dừa phải được ép từ quả dừa khô rám vàng (mới vừa khô). Gạo nếp được ngâm vài tiếng đồng hồ, rồi vo thật sạch, mang hấp cách thủy cho nếp chín. Nếp vừa chín đổ ngay vào cối để giã nhuyễn cùng với đường cát, nước cốt dừa. Nếp được giã khi còn nóng hổi bột mới nhanh dẻo. Khâu giã bột quyết định bánh phồng có ngon hay không. Đến làng nghề vào sáng sớm, chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết được nhà ai đang làm bánh phồng bởi tiếng chày giã bột hối hả. Để bánh phồng hơn khi nướng, các thợ làm bánh sẽ thêm vào một ít bột đậu nành đã xay nhuyễn. Giã bột xong thì mang nặn thành từng viên rồi đem cán. Cán bột phải đều tay thì chiếc bánh mới tròn và đẹp. Bánh được cán xong thì mang đi phơi trên chiếc chiếu dưới ánh nắng vừa đủ, không được quá yếu cũng không được quá gắt, bởi thế bánh sẽ bị chai. Bánh vừa phơi khô thì gỡ ra khỏi chiếu, mang quạt cho nguội rồi mới sắp bánh.

 


Công đoạn cán bột (thủ công)
(Nguồn: Internet)

 

Hiện nay, để tăng năng suất và cho ra một chiếc bánh đẹp hơn các hộ sản xuất bánh phồng tại làng nghề đã dần chuyển sang hình thức cán bột bằng máy. Bột được cán bằng máy sẽ cho ra một chiếc bánh tròn hơn, đều hơn, độ dày mỏng cũng đồng loạt như nhau. Từ đó, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, gia tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của làng nghề.
 


Máy cán bánh tự động
(Nguồn: TT KC&XT)

Quy trình sản xuất bánh phồng Sơn Đốc
(Nguồn: tổng hợp)

 

Trải qua bao thế kỷ bánh phồng Sơn Đốc vẫn giữ vững được thương hiệu dù cho sự xuất hiện của biết bao loại bánh trên thị trường. Du khách đến làng nghề sẽ có thể tận mắt chứng kiến quy trình làm ra từng chiếc bánh phồng Sơn Đốc, có thể thưởng thức đủ loại bánh phồng và mua về cho người thân. Những chiếc bánh không chỉ thơm ngon béo ngậy mà chúng còn chứa đựng tâm huyết và cái tình của mỗi người thợ trong làng nghề bánh phồng Sơn Đốc thuộc tỉnh Bến Tre.

Nguồn: TT.KC&XT – SCT