• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
An cư lạc nghiệp từ nghề làm bánh phồng chuối
Ảnh: Bánh phồng chuối tại làng nghề xã Hưng Nhượng

An cư lạc nghiệp từ nghề làm bánh phồng chuối

(Cập nhật: 22/02/2019)

Khác với lần trước về tham quan làng nghề làm bánh phồng chuối (có người gọi là bánh tráng chuối) tọa lạc tại ấp 1 xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre thường phơi sản phẩm bằng phương pháp truyền thống (phơi dưới ánh sáng mặt trời); lần này chúng tôi bắt gặp rất nhiều lò sấy bánh bằng điện rất hiện đại, nhanh chóng, hiệu quả cao.

Chị Nguyễn Thị Thắm, người đã có trên 20 năm làm nghề này kể: “Nghề này có tại đây trên 40 năm rồi. Hồi trước ấp này chuyên làm bánh phồng nếp truyền thống nên mới có câu Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, nay Sơn Đốc có tên gọi khác là xã Hưng Nhượng và có thêm làng nghề làm bánh phồng chuối. Từ đó đã giúp cho cho hàng trăm lao động của trên 30 hộ dân đa phần là phụ nữ có việc làm ổn định”.

Để làm nên chiếc bánh phồng chuối đầu tiên là công đoạn gọt vỏ củ khoai mì, rửa sạch, luộc đến khi khoai mềm thì xay nhuyễn. Sau đó cho nước cốt dừa, đường và dầu ăn vào trộn đều rồi chia đều bột thành những viên nhỏ và cán mỏng chúng ra thành những chiếc bánh có dạng hình tròn. Công đoạn tiếp theo là cho những lát chuối mỏng lên lớp trên của bánh để thành chiếc bánh phồng chuối. Chuối xiêm đen được chọn lựa khá kỹ càng, chuối phải thật chín và không bị thâm đen. Sau đó, đem phơi khô bánh dưới ánh nắng từ 3 đến 5 giờ (tùy thời tiết) để bánh sẽ ngon và không bị mốc. Sau đó bánh được cho vào bao cột kín và tiêu thụ.

Ảnh: Bánh phồng chuối được làm khô trên lò sấy điện

Chị Thắm kể thêm: làm nghề này không đòi hỏi trình độ văn hóa nên được nhiều người tham gia. Bình quân mỗi lao động hiện có thu nhập từ 180.000 đến 200.000 đồng/người/ngày. Công việc bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 17 giờ. Tiền công được trả theo sản phẩm làm ra. Từ khi có máy sấy, năng suất đã tăng lên 30 đến 40%. Từ đó, dù trời nắng hay mưa làng nghề này vẫn cung ứng sản phẩm cho các thương lái từ Bắc chí Nam. Mỗi máy sấy có thể làm khô mỗi lần 400 cái bánh trong thời gian từ 60 đến 80 phút đi kèm những ưu điểm: nhanh, vệ sinh đảm bảo, độ khô các bánh đều nhau, màu sắc đẹp”Bà Trần Thị Én, 67 tuổi cho biết: “Tôi đã già nên chỉ đeo bám nghề này để mưu sinh, do sức khỏe kém nhưng mỗi ngày cũng kiếm được xấp xỉ 100.000 đồng. Công việc nhẹ nhàng, ngồi trong mát nên rất khỏe lại đỡ gánh nặng cho mấy đứa nhỏ. Tết năm nay làm tới khuya mới kịp giao hàng cho người ta”.

Theo nhiều lao động lành nghề tại đây cho biết: Nghề này đòi hỏi sự khéo tay và nhuần nhuyễn mới có được những chiếc bánh ngon; nếu chuối xắc dầy thì phơi rất lâu khô; xắc mỏng thì kém vị ngọt. Bên cạnh đó, một chiếc bánh hoàn hảo thì đòi hỏi vừa có vị ngọt thơm của khoai mì, vị béo của nước cốt dừa và đặc biệt nhất là vị thơm của chuối xiêm đen. Riêng nguồn nguyên liệu chuối xiêm đen phải có xuất xứ tại huyện Giồng Trôm mới đạt yêu cầu. Từ đó đã có hàng trăm hộ dân trồng chuối với diện tích hàng trăm héc ta mới đáp ứng nhu cầu cho làng nghề này.

Hiện tại làng nghề này sản xuất 2 cở bánh chủ lực. Bánh lớn có giá bán 20.000 đồng/chục (mỗi chục 10 cái); bánh loại nhỏ có giá bán 180.000 đồng/chục. Thị trường tiêu thụ nhiều nhất là Tp.HCM, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, Khánh Hòa, Campuchia... Bình quân làng nghề này cho ra từ 60.000 đến 70.000 cái/ ngày thường và trên 100.000 cái vào những ngày tết Nguyên đán.

Ông Trương Văn Sỹ, thương lái đến từ Tp.HCM nhận xét: bánh phồng chuối tại làng nghề này rất thơm, ngon, giá phải chăng, an toàn vệ sinh thực phẩm mà hiếm nơi khác có thể đạt được. Công nhân tại đây rất lành nghề, năng suất lẫn chất lượng lao động rất cao. Từ đó tôi đến đây mua bán đã trên 30 năm rồi”.

 Đơn giản, hiệu quả, thu nhập cao, làng nghề bánh phồng chuối ấp 1, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vừa mang lại cuộc sống rất an cư, lạc nghiệp cho hàng trăm lao động, vừa giữ được hồn cốt dân gian của một làng nghề trên quê hương Đồng Khởi.

Nguồn (bài, ảnh): T.T.Liêm (CTV)